Ngày nay các thương hiệu vợt nổi tiếng như Yonex, Lining, Mizuno, Victor liên tục cho ra mắt những mẫu vợt mới với ngoại hình bắt mắt, thiết kế hiện đại cùng công nghệ tiên tiến. Kèm theo đó là mức kinh phí để sở hữu một cây vợt cao cấp càng ngày càng tăng. Trước tình hình đó, nhiều người đã lựa chọn phương án mua lại vợt cầu lông cũ, vợt đã qua sử dụng với mong muốn có được một trải nghiệm tương đương khi sở hữu một cây vợt mới với mức giá rẻ hơn. Liệu đây có phải là một phương án khả thi? Liệu có tiềm ẩn rủi ro nào không? Hãy cùng mình tìm hiểu nhé!
1. Có nên mua vợt cầu lông cũ hay không?
Vợt cầu lông cũ có nghĩa là vợt đã qua sử dụng. Vợt đã được một người khác mua từ đại lý hoặc cửa hàng, sau một thời gian sử dụng do cảm thấy không hợp tay hoặc muốn chuyển sang dòng vợt khác nên bán lại cho người sau với mức giá rẻ hơn tùy vào tình trạng vợt lúc đó. Người mua vợt cũ sẽ có thể sở hữu cho mình cây vợt như mong muốn với mức giả rẻ hơn có thể lên đến 30-40% so với giá gốc, mà vẫn được trải nghiệm đầy đủ công năng cũng như công nghệ trên vợt. Trên thực tế, số lượng người có nhu cầu mua bán vợt cũ trên thị trường hiện nay không phải là ít. Do đó, mua vợt cầu lông cũ để sử dụng là điều hoàn toàn bình thường.
Tuy nhiên để tìm mua được một cây vợt cũ đảm bảo chất lượng và giá cả hợp lý thì người mua cần trang bị cho mình kiến thức cũng như có kinh nghiệm sử dụng nhiều dòng vợt. Trước khi quyết định mua người mua cần xác định xem độ mới của vợt còn lại bao nhiêu phần trăm. Vợt qua nhiều lần đan lưới và qua thời gian sử dụng dài sẽ giảm dần độ bền cũng như ngoại hình, tiềm ẩn nguy cơ nứt gãy không mong muốn, bởi đã là vợt đã qua sử dụng thì không có bảo hành. Vợt đã qua sử dụng thì nước sơn, các họa tiết hoa văn trên vợt sẽ không còn đẹp như vợt mới. Người mua cần kiểm tra và cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định.
2. Kinh nghiệm mua vợt cầu lông cũ
Như vậy về vấn đề có nên mua vợt cầu lông cũ hay không, câu trả lời là hoàn toàn có thể. Tuy nhiên cần phải kiểm tra chất lượng của vợt có còn đảm bảo hay không. Sau đây là một số kinh nghiệm khi mua vợt cũ.
a/ Tìm hiểu thông tin người bán vợt cầu lông cũ
Hiện nay đa phần các cửa hàng cầu lông không có dịch vụ mua bán vợt cầu lông cũ. Mua bán vợt cũ chủ yếu được thực hiện trực tiếp giữa các người chơi cầu lông với nhau. Người mua vợt trước tiên cần tìm hiểu kỹ thông tin của chủ vợt như họ tên, số điện thoại, địa chỉ. Nên ưu tiên giao dịch trực tiếp, hẹn gặp chủ vợt trực tiếp để xem vợt, kiểm tra chất lượng, khi thỏa thuận xong thì mới thanh toán tiền. Nếu chủ vợt ở xa cần ship vợt đi thì phải thỏa thuận được kiểm tra vợt trước khi thanh toán cho đơn vị vận chuyển.
Lưu ý tránh trường hợp thanh toán trước rồi mới nhận vợt, hoặc cọc trước số tiền quá lớn, tránh việc kẻ gian lợi dụng lấy được tiền sau đó ngắt liên lạc.
b/ Tìm hiểu thông tin vợt cầu lông cũ
Thông tin vợt ở đây bao gồm giá vợt, ngoại hình vợt, một số điểm nhận dạng đặc biệt của nhà sản xuất. Mục đích của là để tránh mua nhầm hàng giả kém chất lượng. Kiểm tra giá gốc của vợt để tránh phải mua với giá đắt, bởi mục đích của việc mua vợt cầu lông cũ là mua với giá rẻ hơn. Khi định giá một cây vợt cũ cần xác định xem vợt là hàng quốc tế hay nội địa, vợt nội địa sẽ có giá thành cao hơn so với vợt quốc tế. Xác định mức độ cũ mới của vợt để thỏa thuận mức giá tương xứng.
c/ Kiểm tra ngoại hình vợt cầu lông cũ
Chất lượng của vợt cầu lông cũ có thể kiểm tra thông qua các đặc điểm ngoại hình vợt. Người mua có lưu ý các điểm sau:
- Khung vợt: Kiểm tra lớp sơn trên khung vợt cũ có còn nguyên vẹn không. Trong quá trình sử dụng có rất nhiều lý do khiến cho lớp sơn trên khung vợt bị trầy xước. Có thể do va quẹt, chạm trúng cầu, rơi rớt. Các vết bong sơn do va chạm cần kiểm tra kỹ, nếu va chạm mạnh có thể dẫn đến nứt khung vợt, rủi ro sập khung cao. Nếu khung vợt có vết nứt rạn thì tốt nhất không nên mua. Có thể thử vung vợt vài lần để kiểm tra khung vợt, nếu nghe có tiếng động bên trong khung vợt thì có thể vợt đã bị va chạm mạnh dẫn đến nứt bên trong.
- Gen vợt: Gen vợt là phần tiếp xúc giữa dây đan và khung vợt. Dựa vào gen vợt người mua có thể biết được vợt cầu lông cũ đã qua bao nhiêu lần thay lưới. Vợt thay lưới càng nhiều lần thì tuổi thọ sẽ càng giảm. Gen vợt quá cũ thì nguy cơ sập lún khung cũng rất cao do lưới đan ăn sâu vào khung vợt. Tuy nhiên gen vợt có thể thay thế được, người mua cần kinh nghiệm để xác định gen vợt có phải là gen zin của nhà sản xuất hay gen đã thay.
- Cán vợt: Cán vợt và thân vợt được ghép với nhau bằng khớp nối. Qua thời gian dài sử dụng khớp nối có thể trở nên lỏng lẻo, mất độ kết dính dẫn đến tình trạng thân vợt rơi ra khỏi cán vợt. Người mua cần kiểm tra khớp nối có còn đủ chắc chắn hay không bằng cách thư vung vợt vài lần. Nếu cảm nhận độ rung lắc hoặc nghe tiếng động lạ tại vị trí khớp nối thì có thể vợt đã quá cũ, khớp nối đã quá lỏng.
Sau cùng nếu tất cả các yếu tố đã được kiểm tra, vợt còn đảm bảo chất lượng, ngoại hình đẹp cũng như giá cả hợp lý thì bạn hoàn toàn có thể thanh toán và sở hữu nó cho mình.
Trên đây là toàn bộ kiến thức cũng như kinh nghiệm khi tìm mua vợt cầu lông cũ. Việc mua vợt cũ hiện nay cũng rất được ưa chuộng bởi tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu người mua chưa có kinh nghiệm hay kiến thức đầy đủ. Khuyến khích người chơi có thể đầu tư thêm vài trăm ngàn để mua cho mình một cây vợt mới chính hãng từ của hàng uy tín để vừa có được vợt đẹp, chất lượng đảm bảo và dịch vụ bảo hành lên đến 3 tháng